ĐÁM CƯỚI MIỀN TRUNG

Đám cưới miền Trung

Mỗi quốc gia, vùng miền đều có những quan niệm và phong tục tập quán khác nhau về đám cưới. Nếu đám cưới ở phương Tây rất đơn giản và thường chú ý nhiều tới các vật lễ như bánh cưới, hoa cưới, váy cưới… thì phong tục cưới ở Việt Nam lại là một chuỗi những nghi lễ và để có một đám cưới đúng nghĩa thì phải mất thời gian 2-3 tháng. Ngày xưa người Việt gọi lễ cưới là hôn lễ và nó được coi là một trong ba sự kiện lớn nhất của đời người. Phong tục cưới của người Việt xưa bao gồm 6 lễ chính là: lễ nạp thái, lễ vấn danh, lễ nạp cát, lễ nạp tệ, lễ thỉnh kỳ, lễ thân nghinh. Theo thời gian và ảnh hưởng văn hóa, truyền thống và tôn giáo của từng vùng miền mà ngày nay lễ cưới đã bị phân hóa và có sự khác biệt rõ rệt, tuy nhiên những thay đổi đó vẫn giữ nguyên trên nền tảng cơ bản của tập tục xưa.

Cũng phải trải qua rất nhiều nghi thức nhưng nghi thức cưới ở miền Bắc lại khác với phong tục ở miền trong và xét trong ba miền, nghi thức, phong tục cưới có nhiều đổi khác khi đi từ Bắc vào Nam.

 

Có thể nói phong tục cưới hỏi miền Trung là sự kết hài hòa giữa sự ràng buộc chặt chẽ của miền Bắc và phóng khoáng của miền Nam tạo nên một nét văn hóa đặc trưng.

Người miền Trung vốn không câu nệ vật chất nên việc cưới hỏi cũng không đòi hỏi tốn kém nhiều. Tuy nhiên có lẽ vì còn ảnh hưởng của kinh đô Huế xưa mà họ coi trọng về các nghi thức hơn. Nhìn vào phong tục cưới hỏi miền Trung, bạn sẽ nhận ra sự giao thoa giữa những lễ nghi ràng buộc của miền Bắc và sự phóng khoáng của miền Nam.

Nếu như người xưa thực hiện nghi thức quan trọng của cuộc đời qua sáu bước gọi là lục lễ, diễn ra trong vòng ba năm mới hoàn tất, giờ đây việc cưới hỏi đã giản lược bớt những điều rườm rà, ít tiến bộ như đặt nặng vấn đề phù hợp về tuổi tác hay sính lễ cầu kỳ. Quy trình cưới xin cũng đã rút gọn. Nếu đường sá xa xôi, đám hỏi cũng có thể gộp chung với đám cưới. Khi đó, trong đám cưới, sính lễ ăn hỏi được bày lên trước, sau đó nhà gái mang cất đi, rồi nhà trai lại bày ra những vật phẩm cho lễ cưới.
Cụ thể, thông thường ngày nay việc cưới hỏi diễn ra qua các bước như sau:

Đám cưới miền Trung

LỄ ĐI NÓI

(HAY CÒN GỌI LÀ LỄ DẠM NGÕ)

Lễ này được miền Trung đơn giản hóa, không tổ chức rình rang, đó được xem như là một buổi gặp gỡ thân tình giữa hai bên thông gia để bàn bạc kế hoạch cho ngày cưới. Cha mẹ chàng trai mang một chai rượu, khay trầu cau sang nhà gái đặt vấn đề về chuyện cưới xin.

Đám cưới miền Trung

LỄ ĐI HỎI
(HAY CÒN GỌI LÀ ĐÍNH HÔN)

Lễ vật gồm năm mâm quả: quả trầu cau với 105 quả cau tượng trưng cho câu nói trăm năm hạnh phúc; quả trà rượu ngoài trà và đôi rượu còn có phong bì tiền dọn để hỗ trợ nhà gái chuẩn bị cho tiệc đám hỏi hôm đó và vàng (thường là đôi hoa tai nhưng cũng có nhà đi nhẫn); quả bánh kem đính hôn; quả nem chả với số lượng chẵn cặp; mâm ngũ quả được kết rồng phượng cầu kỳ. Cũng có nhà theo tục cũ đi thêm một quả bánh su sê nữa.

Ngoài vòng tay, nhẫn hoặc hoa tai vàng, mẹ chồng còn trao cho con dâu một phong bì tiền mừng dâu. Phong bì tiền dọn trong quả trà rượu sẽ đưa cho ba mẹ cô. Số tiền này ngay sau đó thường được nhà gái cho lại đôi vợ chồng. Khi nhà trai ra về, khay quả trống không phải được lật ngửa nắp để cho thấy lễ vật đã được nhà gái tiếp nhận.

Xem thêm  >>>  Lễ lại quả đám hỏi

Đám cưới miền Trung

LỄ CƯỚI

Lễ cưới của người miền Trung bao gồm các tục: xin giờ, bái tơ hồng, rước dâu diễn ra ở nhà gái, đón dâu, trình báo gia tiên ở nhà trai. Một điểm khác biệt lớn nhất đó là người miền Trung không thách cưới. Trong phòng tân hôn phải có: một khay lễ với 12 miếng trầu, đĩa muối, gừng và rượu giao bôi. Việc ăn muối, gừng mang màu sắc dân gian, biểu tượng nghĩa tình nồng thắm.

Trước khi vào nhà gái, đoàn rước dâu cử một người trong họ tộc mang theo khay rượu vào nhà cô dâu để trình giờ xin được vào làm lễ. Sính lễ vẫn là năm mâm quả như lễ ăn hỏi. Nếu nhà gái có bày bàn thờ gia tiên, nhà trai mang theo đôi nến hồng để gắn lên chân nến đặt sẵn.

Nói về số lượng người trong đoàn rước dâu, người miền Trung quan niệm tổng số phải ứng với số sinh hoặc lão (1, 2, 3, 4, 5, 6… tương ứng là sinh, lão, bệnh, tử, sinh, lão…). Đoàn đưa dâu của nhà gái có số lượng nhiều hơn miễn là cũng đảm bảo số sinh hoặc lão.

Không còn quan niệm cũ là mẹ không đi đưa dâu bởi đi theo nghĩa là còn luyến tiếc chưa muốn gả con, giờ đây mẹ cô dâu thường đi một xe khác chứ không chung với đoàn nhà mình. Sau khi lễ tại nhà trai kết thúc, nhà gái ra về, cô dâu chú rể bưng khay trầu cau và thuốc lá đứng tiễn. Người nhà gái lấy một miếng trầu hoặc điếu thuốc và bỏ vào khay những đồng tiền lẻ, mệnh giá có thể từ 1.000 đến 50.000 đồng để cầu may mắn. Sau ba ngày, đôi vợ chồng son trở về thăm nhà cô dâu mới gọi là lễ phản diện hay lại mặt. Cũng có gia đình cho phép họ về lại mặt ngay buổi chiều lễ cưới

Đám cưới miền Trung

 

Người miền Trung, mà cụ thể là tại cố đô Huế có tục cưới xin đơn giản, tiết kiệm, trọng lễ nghi, không trọng tiền bạc. Người Huế cũng có các bước như dạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu nhưng ý nghĩa có khác đôi chút so với miền Bắc. Chuẩn bị lễ hỏi, lễ cưới, người Huế thường xem ngày giờ tốt xấu, có khi lên chùa thỉnh ý các cao tăng. Sau khi chọn ngày giờ, hai bên thông gia sẽ báo cho nhau bằng một cuộc thăm đơn giản.
Ðám cưới Huế có các lễ: xin giờ, nghinh hôn, bái tơ hồng, rước dâu diễn ra ở nhà gái, và đón dâu, trình báo gia tiên ở nhà trai. Người Huế không có tục thách cưới, lễ vật trong lễ cưới tối thiểu chỉ gồm có mâm trầu cau, rượu trà, nến tơ hồng, bánh phu thê. Nếu khá giả, nhà trai có thể thêm bánh kem, bánh dẻo; không có “lợn quay đi lọng” như nhiều nơi.
Ngoài ra, đám cưới ở Huế luôn có phù dâu, phù rể và hai đứa trẻ rước đèn đi trước. Hai đứa trẻ thường là 1 trai 1 gái, tuổi tương đương cầm lồng đèn hay cầm hoa.
Trong đêm tân hôn, đôi bạn trẻ phải làm lễ giao bôi hợp cẩn. Người Huế có tập tục để trong phòng hoa chúc một khay lễ với 12 miếng trầu, đĩa muối, gừng và rượu giao bôi. Ðôi bạn trẻ phải nhai hết 12 miếng trầu ấy, tượng trưng cho 12 tháng hòa hợp trong một năm, 12 năm hòa hợp tuần hoàn trong một giáp âm lịch. Việc ăn muối ăn gừng mang màu sắc dân gian, biểu tượng nghĩa tình nồng thắm.
Khi đưa dâu, thông thường bố mẹ cô gái sẽ không theo xe, mà hôm sau mới sang nhà trai, với ý nghĩa xem cô con gái ngày đầu về làm dâu có làm điều gì phật lòng nhà chồng không. Buổi gặp này, hai bên thông gia đối đáp những câu khách sáo, nhắn gửi con cái cho nhau, và căn dặn con mình phải thuận thảo với gia đình bên vợ hoặc bên chồng.
Ðặc biệt, quan hệ tuổi mạng rất được coi trọng trong phong tục cưới ở Huế. Theo TS Tôn Thất Bình: vị chủ hôn thường là vị cao niên trong dòng tộc hai bên, thân thuộc với gia đình, vợ con đầy đủ, không tật bệnh, tuổi không khắc kỵ đôi tân hôn. Những nhân vật khác trong đám cưới từ người may áo cưới, người sắp xếp phòng cho đêm tân hôn, người đóng vai trò tổ chức đều được lựa chọn kỹ càng. Những người này đều phải có gia đình hòa thuận, con cái đề huề.

 

ĐÁM CƯỚI MIỀN TRUNG

KIÊNG KỴ TRƯỚC NGÀY CƯỚI

  • Kiêng kỵ tuổi tác
    Thường thì ngay từ khi chàng trai/cô gái dắt người yêu của mình về ra mắt gia đình là bố mẹ hai nhà đã tìm cách để biết chàng trai/cô gái đó tuổi gì, mệnh gì. Nếu thầy bói phán hợp tuổi, hợp mệnh thì không có vấn đề gì lớn nhưng cũng có những đôi, khi thầy phán là kỵ tuổi, mạng can xung khắc, nếu lấy nhau thì làm ăn không nên, có thể tan vỡ, thậm chí người con trai/con gái mai sau sẽ yểu mệnh… thì bố mẹ của họ phần lớn là sẽ cản.
    Không ít cặp đôi, không vượt qua được trở ngại đầu tiên này, dẫn đến việc không đến được với nhau. Nhưng cũng có những cặp đôi, hoặc là thuyết phục, dùng lý lẽ, dùng những trường hợp cụ thể để chứng minh cho bố mẹ hai bên thấy rằng không hợp tuổi, mệnh, can xung khắc vẫn sống hạnh phúc trọn đời bên nhau. Nếu bố mẹ hai bên hiểu, thông cảm, chấp nhận thì cũng có một số cách mà theo họ cho là “hóa giải” chuyện kỵ tuổi.
  • Kiêng kỵ ngày giờ
    Trước khi tổ chức đám cưới, nhà trai và nhà gái đều phải xem trước ngày, giờ hoàng đạo. Đảm bảo sao cho cưới vào giờ tốt nhất để đôi vợ chồng trẻ sau này được sống hạnh phúc, yên ấm, con đàn cháu đống.

Kiêng kỵ trong tiệc cưới

  • Người rót rượu champagne và bánh cưới sẽ là chú rể chứ không phải cô dâu. Điều này thể hiện quyền làm chủ gia đình của người đàn ông, như vậy gia đình mới hạnh phúc, không bị xáo trộn.
  • Nhà ai có tang, thì những người trong gia đình đó không nên đi dự đám cưới, tránh mang những cái đen đủi hoặc vận hạn đến cho gia chủ.
  • Với mâm trầu cau, chú rể chỉ được xé cau trong mâm chứ không được dùng dao cắt.
    Khi đi đón dâu, đường đi và đường về phải khác nhau, đi chung một đường sẽ dễ dẫn đến tan vỡ.
  • Lúc nhà trai rời khỏi cổng nhà gái, cô dâu cứ nhìn thẳng về phía trước, tuyệt đối không được ngoảnh đầu lại phía sau.
  • Hôn lễ chính phải cử hành tại bàn thờ tổ tiên có đủ “hương đăng hoa quả”.
  • Họ hàng nhà trai khi đến phải có người làm mai đi đầu. Lễ vật bao gồm: trái cây, bánh kẹo, trầu cau và cặp đèn trùng với kích thước chân đèn trên bàn thờ.
  • Nhẫn cưới phải là nhẫn trơn và tuyệt đối không được đeo trước ngày cưới. Trong đám cưới còn kiêng đổ vỡ, hãy cẩn thận tránh làm đổ vỡ bất cứ thứ gì trong ngày trọng đại.
  • Mẹ cô dâu không được theo đoàn đưa cô dâu về nhà chồng và mẹ chồng không được đứng trước cửa rước dâu.
  • Cô dâu đang mang bầu khi về nhà chồng không được đi vào từ cửa chính. Ông bà ta quan niệm nếu để cô dâu mang bầu đi cửa trước sẽ làm ăn không nên, vì thế cô dâu mang bầu phải đi cửa sau vào nhà.
  • Phụ nữ góa chồng hoặc người tứ nhãn (bốn mắt, chỉ phụ nữ mang thai) không được vào phòng tân hôn; kỵ cho người khác ngồi trên giường tân hôn.

Đám cưới miền Trung

Dù phong tục cưới của người Việt ở mỗi vùng miền là khác nhau nhưng ý nghĩa của đám cưới vẫn không bao giờ thay đổi, đó là sự gắn kết bền chặt của đôi trai gái, bắt đầu một cuộc sống mới. Và tất cả nghi lễ trong đám cưới cũng chỉ hướng tới một mục đích chung là lời cầu chúc cho một gia đình hạnh phúc, con cháu đầy đàn, tiền tài vững chắc.

P/s : tham khảo thêm

LIÊN HỆ CHÚNG TÔI