Đám cưới miền Bắc

Đám cưới miền Bắc

 

Mỗi quốc gia, vùng miền đều có những quan niệm và phong tục tập quán khác nhau về đám cưới. Nếu đám cưới ở phương Tây rất đơn giản và thường chú ý nhiều tới các vật lễ như bánh cưới, hoa cưới, váy cưới… thì phong tục cưới ở Việt Nam lại là một chuỗi những nghi lễ và để có một đám cưới đúng nghĩa thì phải mất thời gian 2-3 tháng. Ngày xưa người Việt gọi lễ cưới là hôn lễ và nó được coi là một trong ba sự kiện lớn nhất của đời người. Phong tục cưới của người Việt xưa bao gồm 6 lễ chính là: lễ nạp thái, lễ vấn danh, lễ nạp cát, lễ nạp tệ, lễ thỉnh kỳ, lễ thân nghinh. Theo thời gian và ảnh hưởng văn hóa, truyền thống và tôn giáo của từng vùng miền mà ngày nay lễ cưới đã bị phân hóa và có sự khác biệt rõ rệt, tuy nhiên những thay đổi đó vẫn giữ nguyên trên nền tảng cơ bản của tập tục xưa.

Cũng phải trải qua rất nhiều nghi thức nhưng nghi thức cưới ở miền Bắc lại khác với phong tục ở miền trong và xét trong ba miền, nghi thức, phong tục cưới có nhiều đổi khác khi đi từ Bắc vào Nam.

 

Người miền Bắc làm bất cứ việc gì cũng rất nguyên tắc, đám cưới cũng vậy, có những nghi thức, nghi lễ khá nghiêm ngặt không thể bỏ qua. Đám cưới truyền thống ở miền Bắc gồm có 3 lễ cơ bản: lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ đón dâu.

 

LỄ DẠM NGÕ

Lễ dạm ngõ là nghi lễ khởi đầu cho một loạt các nghi thức hôn nhân sau đó nên đây là nghi lễ quan trọng không thể bỏ qua trong các đám cưới truyền thống của người miền Bắc. Vì vậy, trước khi làm lễ dạm ngõ, nhà trai cũng phải chọn ngày đẹp để đến gặp gia đình nhà gái để “vạn sự khởi đầu nan” suôn sẻ thì mọi việc tiếp theo mới trọn vẹn. Đây là lễ gặp mặt đầu tiên, chính thức của hai gia đình nhà trai, nhà gái và được xem là thủ tục cần thiết để “người lớn” thưa chuyện với nhau. Lễ vật trong ngày dạm ngõ đơn giản chỉ gồm chục trầu cau, chè, thuốc và bánh kẹo với số lượng chẵn.
Thành phần tham dự trong ngày lễ dạm ngõ chỉ trong nội bộ gia đình 2 họ: cô dâu, chú rể, bố mẹ và anh chị em ruột của cô dâu chú rể. Việc đón tiếp nhà trai cũng đơn giản và thân thiện. Nhà gái chuẩn bị sẵn nước trà, thuốc, bánh kẹo, trái cây… mời khách. Sau khi nhà trai trao lễ, nhà gái mang lên bàn thờ gia tiên thắp hương. Hai nhà nói chuyện để bàn chuyện xem ngày, chọn ngày và các thủ tục khác cho lễ ăn hỏi và lễ cưới. Sau lễ dạm ngõ, người con gái được xem như có nơi có chốn, bước đầu để tiến tới chuyện hôn nhân.

Đám cưới miền Bắc

 

LỄ ĂN HỎI

Sau lễ dạm ngõ là đôi bên sẽ chọn ngày lành tháng tốt để tiến hành lễ ăn hỏi đến lễ ăn hỏi. Đây là sự thông báo chính thức về việc hứa gả con cái giữa hai họ. Trong lễ ăn hỏi, các thủ tục: ăn hỏi, xin cưới và nạp tài được gộp luôn trong ngày này. Nhà trai sẽ mang tới nhà gái 30 chục trầu và tráp ăn hỏi. Sau khi bố chú rể, bố cô dâu giới thiệu những người tham dự, mẹ chú rể sẽ lần lượt đưa 30 chục trầu. Chục trầu đầu tiên là cho nghi thức ăn hỏi, chục trầu tiếp theo cho nghi thức xin cưới và chục trầu thứ 3 là cho lễ nạp tài. Sau khi nhà gái nhận chục trầu thứ 3 thì sẽ đến lễ nhận các tráp ăn hỏi của nhà trai. Tráp ăn hỏi có thể gồm 5, 7, 9 hoặc 11 tráp nhưng phải là số lẻ và lễ vật trong các tráp phải là bội số của 2. Đồ lễ ăn hỏi không thể thiếu là bánh cốm, bánh xu xê, mứt sen, chè, rượu, trầu cau, thuốc lá… và có thêm xôi, lợn quay. Đồ lễ ăn hỏi được nhà gái lấy một ít và trầu cau mang lên thắp hương trên bàn thờ tổ tiên. Ngoài ra, nhà gái giữ lại thường là 2 phần và đưa trả lại nhà trai 1 phần. Đồ lễ nhà gái giữ lại được dùng để mời cưới. Điều đặc biệt cần lưu ý trong lễ ăn hỏi là nhà trai phải chuẩn bị 3 phong bì đựng tiền (gọi là lễ đen), một phong bì dành cho nhà nội cô dâu, một phong bì dành cho nhà ngoại cô dâu và phong bì còn lại để thắp hương trên bàn thờ nhà cô dâu. Số tiền tùy thuộc vào nhà gái. Cuối cùng, cô dâu và chú rể ra mắt hai họ, rót nước, mời trầu các vị quan khách. Thời gian ăn hỏi và lễ cưới cách nhau 3 ngày, 1 tuần, hay lâu hơn tùy vào việc lựa chọn ngày đẹp của hai bên gia đình

 

Đám cưới miền Bắc

LỄ ĐÓN DÂU

Và cách lễ ăn hỏi khoảng 10 ngày thì lễ cưới chính thức được diễn ra. Nếu hai gia đình không tổ chức tiệc chung tại khách sạn thì việc mời khách tới ăn uống, chúc mừng gia đình hai bên cô dâu chú rể thường diễn ra một ngày trước lễ cưới. Tiệc tại 2 bên gia đình thường là tiệc mặn. Nhiều nơi ở miền Bắc, chú rể phải có mặt trong ngày nhà gái mời khách. Một số gia đình, theo quan niệm và cẩn thận, tùy theo tuổi cô dâu tổ chức đón dâu 2 lần. Vào ngày ăn hỏi, có thêm thủ tục xin dâu, cô dâu theo nhà trai về nhà và ở lại. Tới sáng sớm hôm sau thì tự ra về, không để ai biết và không ai nói gì. Như vậy là coi như đã qua một lần xuất giá.

Trong ngày giờ đẹp đã được chọn sẵn, chú rể sẽ cùng bố và đại diện nhà trai tới nhà gái, mang theo xe hoa, hoa cưới để đón cô dâu về nhà. Cô dâu sẽ được trang điểm, mặc váy cưới và chú rể mặc vest. Nhà trai và nhà gái giới thiệu thành phần tham dự, rồi nhà trai trao trầu xin dâu cho nhà gái, xin phép cho chú rể lên phòng đón cô dâu. Cô dâu chú rể làm lễ gia tiên tại nhà gái. Sau cùng nhà trai xin phép được đưa cô dâu mới về nhà chồng. Đại diện nhà gái cũng phát biểu đồng ý cho nhà trai đón cô dâu. Khi cô dâu về nhà chồng, lễ gia tiên cũng được thực hiện ở nhà trai. Sau đó, lễ cưới sẽ được tổ chức tại nhà trai với các bài phát biểu của hai bên đại diện gia đình, trao quà và tiệc mặn hoặc ngọt cùng các chương trình biểu diễn văn nghệ góp vui.

Ngoài ra, sau lễ cưới, cô dâu chú rể phải thực hiện lễ lại mặt. Thời gian đôi vợ chồng mới cưới về lại mặt nhà gái thường là ngay sau ngày cưới. Tuy nhiên, thời gian này còn tùy thuộc vào điều kiện công việc của cô dâu chú rể và khoảng cách địa lý giữa hai nhà. Thông thường, cô dâu chú rể về nhà ngoại tiến hành nghi lễ này vào buổi sáng. Đồ lễ gia đình nhà trai chuẩn bị là gà trống và gạo nếp hoặc đơn giản hơn là bánh kẹo, rượu thuốc để đôi vợ chồng trẻ mang về nhà ngoại. Và cô dâu chú rể sẽ ở lại ăn cơm cùng bố mẹ vợ.

Lễ lại mặt vẫn là một trong lễ quan trọng thể hiện ý nghĩa như lời nhắc nhở đôi vợ chồng mới cưới về chữ hiếu không chỉ với nhà chồng mà cũng phải quan tâm, chăm sóc tới gia đình nhà vợ. Ngoài ra còn thể hiện sự chu đáo, quan tâm của gia đình nhà trai và chú rể với gia đình nhà gái, tạo sự gắn bó, thân mật giữa hai nhà.

Đón Dâu

 

 

Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nghi thức, nghi lễ cưới ở Hà Nội so với các vùng khác quy định nghiêm ngặt hơn. Ít nhất phải giữ 3 lễ Chạm ngõ, Lễ hỏi và Rước dâu.

Chạm ngõ là lễ tiếp xúc đầu tiên, chính thức của hai gia đình nhà trai và nhà gái. Ngày nay, những gia đình ở Hà Nội vẫn giữ nguyên nếp xưa, lễ chạm ngõ vẫn được xem là thủ tục cần thiết, để giữa hai gia đình, “chỗ người lớn” thưa chuyện với nhau. Sau lễ chạm ngõ là đến lễ ăn hỏi. Dù là tầng lớp nào thì cũng không thể thiếu được cơi trầu.

Một lễ ăn hỏi của người Hà Nội thì không thể thiếu cốm và hồng. Nếu gia đình khá giả thì ngoài cốm – hồng và trầu cau còn có thêm lợn sữa quay… Dù lễ vật trong mâm quả nhiều, ít nhưng không thể thiếu bánh “su sê”, ngày xưa gọi là bánh “phu thê”, một số địa phương gọi chệch ra là bánh “su sê” là biểu tượng của đôi vợ chồng duyên phận vẹn toàn. Ngày giờ tốt cho lễ hỏi phải được chọn kỹ lưỡng, các tráp ăn hỏi cũng phải chuẩn bị đầy đủ, phải là số lẻ và lễ ăn hỏi phải diễn ra trước đám cưới ít nhất một tuần tới 10 ngày.

Lễ rước dâu ngày xưa có rất nhiều thủ tục, đi đầu đám rước là những người giàu có địa vị trong làng xã, khi đón dâu ra đến đầu làng còn có lễ chăng dây, đầu làng hoặc đầu phố (lễ chăng dây đến đầu thế kỷ XX vẫn còn), muốn đi qua phải đưa một ít tiền. Ăn uống, tiệc tùng diễn ra trước ngày cưới 1 ngày (bây giờ thường tổ chức ngày trong ngày cưới). Trong khi đón dâu, cô dâu chú rể phải làm lễ gia tiên, lễ này như một sự tưởng nhớ đến cội nguồn, tổ tiên.

 

ĐÁM CƯỚI MIỀN BẮC

KIÊNG KỴ TRƯỚC GIỜ ĐÓN DÂU

  • Kiêng đón dâu không đúng giờ hoàng đạo
    Thông thường gia đình hai bên sẽ thống nhất ba giờ tốt, gọi là giờ hoàng đạo, một là thời điểm chú rể bước ra khỏi nhà trai để đi đón cô dâu, hai là giờ chú rể bước chân vào nhà gái để làm thủ tục đón dâu và giờ tốt thứ ba rơi đúng vào lúc chú rể đón dâu về nhà trai làm lễ gia tiên.
    Đôi khi, nhiều chú rể dở khóc dở cười vì các khung giờ đẹp này, ví dụ, theo gia đình đi xem, chú rể phải bước ra khỏi nhà từ 6h sáng, nhưng tới 9h mới được đến nhà gái làm lễ. Vì vậy, chú rể sẽ phải đến gần nhà gái, chờ khoảng 3 tiếng đồng hồ để đón dâu đúng được vào giờ đã định. Đoàn nhà trai khi đón cô dâu về cũng phải tính toán sao cho kịp giờ tốt.
    Nhiều gia đình quan niệm, nếu không làm đúng giờ hoàng đạo, đôi uyên ương mới sẽ không gặp may mắn, cuộc sống sau này sẽ khó khăn, không hạnh phúc. Vì vậy, hai gia đình sẽ luôn có người đại diện, để ý tỉ mỉ về mặt thời gian để nhắc nhở mọi người tiến hành đúng các thủ tục nhưng cũng phải đúng giờ
  • Kiêng để mẹ chồng đi đón con dâu
    Trong phong tục cưới miền Bắc, mẹ chồng không được góp mặt trong lễ đón dâu. Trước đó, mẹ chú rể chỉ được cùng một người họ hàng thân cận nhất tới nhà cô dâu, làm lễ xin dâu. Sau đó khi đoàn nhà trai tới đón dâu, mẹ chồng phải tránh mặt không được đi cùng.
    Tới lúc cô dâu mới về nhà chồng thắp hương gia mắt tổ tiên, họ hàng, mẹ chồng cũng phải tránh mặt. Khi đó, mẹ chú rể có thể ở trong phòng đóng kín cửa hoặc tránh tạm sang nhà hàng xóm, sao cho không giáp mặt cô dâu. Chỉ tới khi các nghi lễ đã xong xuôi, đôi vợ chồng son mới vào phòng, mời mẹ ra mặt. Nhiều người tin vào điều kiêng kỵ này vì cho rằng mẹ chồng nàng dâu không giáp mặt sớm thì sau này cuộc sống giữa hai người sẽ yên ả, không gặp nhiều va chạm.
  • Kiêng chuẩn bị bàn thờ gia tiên sơ sài
    Trước giờ đón dâu, cả gia đình nhà trai và nhà gái đều phải chuẩn bị một mâm cỗ cúng gia tiên bao gồm các vật phẩm tối thiểu như gà luộc, xôi, rượu, hoa quả, vàng mã đặt trên bàn thờ. Bàn thờ tổ tiên cũng chính là thể hiện sự chu đáo của gia đình mỗi nhà nên đa số các bậc phụ huynh đều riêng việc chuẩn bị sơ sài mà phải lo liệu chu đáo, để tới giờ đón dâu, cô dâu chú rể sẽ cùng bố mẹ hai bên cùng thắp hương trên bàn thờ báo cáo với tổ tiên.
    Cô dâu không được xuất hiện trước khi chú rể vào đón
    Vào ngày đón dâu, tân nương sẽ phải ngồi trong phòng, đóng kín cửa và không được ló mặt ra ngoài cho tới khi chú rể bước vào, tặng hoa cưới và đón cô dâu ra chào họ hàng. Nhiều gia đình kiêng không để cô dâu xuất hiện sớm vì cho rằng nếu gia đình nhà trai thấy mặt cô dâu trước chú rể, tân nương sẽ mất duyên và không còn được coi trọng sau đám cưới.

Kiêng kỵ và lưu ý trong lễ đón dâu

  • Kiêng cô dâu khóc hoặc ngoái lại nhà mẹ đẻ
    Khi chú rể đã hoàn thành nghi lễ, đón cô dâu theo chồng về nhà trai, cô dâu phải hướng thẳng mặt, đi thẳng về phía trước, không được ngoái lại nhìn hay có thái độ quyến luyến, khóc lóc không muốn chia tay gia đình nhà mẹ đẻ. Rất nhiều gia đình kiêng việc này bởi họ cho rằng con dâu đã theo chồng mà còn vương vấn gia đình thì sau này sẽ sớm bỏ chồng về nhà mẹ đẻ hoặc không chu toàn với công việc nhà chồng.
  • Lưu ý đem theo kim và tiền lẻ để trải dọc đường
    Trước khi lên đường về nhà chồng, cô dâu sẽ được mẹ chuẩn bị cho 7 hoặc 9 chiếc kim nhỏ, cho vào một chiếc túi vải và mang theo bên người. Trên đường đi, cô dâu sẽ lần lượt thả những chiếc kim này đi. Phong tục này được lý giải rằng việc thả kim sẽ giải trừ xui xẻo, không có những điều kém may mắn đi theo cô dâu về nhà chồng. Một số người lớn tuổi lại giải thích cô dâu phải mang kim theo người để phòng khi chú rể bị cảm gió, sẽ dùng kim đó đâm vào xương cụt của tân lang, giúp chàng hồi tỉnh lại. Ngày nay, việc trải kim này trở thành phong tục của những gia đình cầu kỳ, truyền thống.
    Ngoài ra, các cô dâu cũng sẽ được mẹ chuẩn bị cho một tập tiền lẻ, để khi đi qua cầu hoặc qua ngã ba, ngã tư, cô dâu sẽ trải tiền xuống đường. Phong tục này hàm ý, đoạn đường sắp tới của đôi uyên ương sẽ luôn suôn sẻ, giàu sang.
  • Kiêng để mẹ đẻ đưa con gái về nhà chồng
    Thông thường, sau khi gia đình nhà trai làm lễ đón dâu, cô dâu mới sẽ theo chồng về nhà. Lúc này, mẹ đẻ không được đưa con gái về nhà chồng mà chỉ có bố cô dâu, cùng các bậc cao tuổi trong nhà đưa con gái lên đường về làm dâu.
  • Kiêng không để cô dâu có bầu đi vào nhà từ cửa chính
    Cô dâu đang mang bầu thì khi về nhà chồng không được danh chính ngôn thuận đi vào từ cửa chính mà phải đi vòng ra cửa sau để vào. Trường hợp nhà không có cửa hậu, cô dâu sẽ phải bước qua một chiếc chậu bồ kết nướng với than hồng, hàm ý xua đi điều xui xẻo. Một số nơi giải thích rằng cô dâu có bầu mà đi về nhà chồng bừng cửa trước sẽ làm cho nhà trai sau này không ăn nên làm ra.
  • Đám cưới miền Bắc

 

Dù phong tục cưới của người Việt ở mỗi vùng miền là khác nhau nhưng ý nghĩa của đám cưới vẫn không bao giờ thay đổi, đó là sự gắn kết bền chặt của đôi trai gái, bắt đầu một cuộc sống mới. Và tất cả nghi lễ trong đám cưới cũng chỉ hướng tới một mục đích chung là lời cầu chúc cho một gia đình hạnh phúc, con cháu đầy đàn, tiền tài vững chắc.

Tham khảo đám cưới miền Nam  Đám cưới miền Trung. 

LIÊN HỆ CHÚNG TÔI

    𝐁𝐁 𝐖𝐞𝐝𝐝𝐢𝐧𝐠 & 𝐄𝐯𝐞𝐧𝐭.

    𝑻𝒖̛ 𝒗𝒂̂́𝒏 𝒕𝒐̂̉ 𝒄𝒉𝒖̛́𝒄𝑲𝒆̂́ 𝒉𝒐𝒂̣𝒄𝒉 𝒕𝒉𝒖̛̣𝒄 𝒉𝒊𝒆̣̂𝒏𝑻𝒓𝒂𝒏𝒈 𝒕𝒓𝒊́ đ𝒂́𝒎 𝒄𝒖̛𝒐̛́𝒊

    Mail : bbmarryme@gmail.com

    Hotline: +𝟖𝟒 𝟖𝟗𝟔 𝟔𝟗𝟕 𝟖𝟖𝟐

    Facebook

    Blog Sức khoẻ