ĐÁM CƯỚI MIỀN NAM

ĐÁM CƯỚI MIỀN NAM

Mỗi quốc gia, vùng miền đều có những quan niệm và phong tục tập quán khác nhau về đám cưới. Nếu đám cưới ở phương Tây rất đơn giản và thường chú ý nhiều tới các vật lễ như bánh cưới, hoa cưới, váy cưới… thì phong tục cưới ở Việt Nam lại là một chuỗi những nghi lễ và để có một đám cưới đúng nghĩa thì phải mất thời gian 2-3 tháng. Ngày xưa người Việt gọi lễ cưới là hôn lễ và nó được coi là một trong ba sự kiện lớn nhất của đời người. Phong tục cưới của người Việt xưa bao gồm 6 lễ chính là: lễ nạp thái, lễ vấn danh, lễ nạp cát, lễ nạp tệ, lễ thỉnh kỳ, lễ thân nghinh. Theo thời gian và ảnh hưởng văn hóa, truyền thống và tôn giáo của từng vùng miền mà ngày nay lễ cưới đã bị phân hóa và có sự khác biệt rõ rệt, tuy nhiên những thay đổi đó vẫn giữ nguyên trên nền tảng cơ bản của tập tục xưa.

Cũng phải trải qua rất nhiều nghi thức nhưng nghi thức cưới ở miền Bắc lại khác với phong tục ở miền trong và xét trong ba miền, nghi thức, phong tục cưới có nhiều đổi khác khi đi từ Bắc vào Nam.

 

Mặc dù vẫn giữ nét văn hóa cơ bản của đám cưới Việt nhưng trong ba miền, thì người miền Nam lại có lối sống dễ tính và thoáng hơn so với người miền Bắc và miền Trung do đó lễ vật và nghi thức diễn ra cũng có phần thoải mái, giảm nhẹ hơn, đơn giản hơn. Các lễ trong phong tục cưới hỏi của người miền Nam không câu nệ về nghi thức lẫn lễ vật, tuy nhiên, trong lễ vật của người miền Nam cũng có những quy định riêng. Mâm lễ vật cũng giống như phong tục cưới hỏi miền Bắc và miền Trung, phong tục cưới hỏi ở miền Nam thường có 3 lễ cơ bản: Lễ dạm ngõ, Lễ ăn hỏi, Lễ đón dâu nhưng người miền Nam có thể bỏ qua lễ dạm ngõ mà tiến hành lễ ăn hỏi và đón dâu cùng một ngày nếu gia đình một trong hai nhà ở xa, đi lại vất vả. Mặc dù vậy, có một lễ mà theo phong tục của người miền nam là không thể bỏ qua đó là lễ lên đèn.

ĐÁM CƯỚI MIỀN NAM

LỄ DẠM NGÕ

Lễ dạm ngõ trong đám cưới miền Nam Thành phần tham dự phải có cha mẹ chú rể, chú bác hoặc những nhân vật có uy tín, tiếng nói trong dòng họ. Cha mẹ chú rể gửi cho cha mẹ cô dâu thông tin ghi ngày sinh tháng của chú rể để xem ngày cưới hỏi đẹp và phù hợp nhất cho 2 người.

ĐÁM CƯỚI MIỀN NAM

LỄ ĂN HỎI

Thông thường các nghi lễ được thực hiện tại bàn thờ tổ tiên. Họ hàng nhà trai đến, có một vị trưởng tộc, chú rể bưng khay trầu có đôi đèn, chú rể phụ bưng khay rượu, đi cùng là ông bà cha mẹ họ nhà trai đi chẵn đôi, nam nữ bưng lễ vật là bốn hoặc sáu người. Trưởng tộc nhà trai sẽ xin phép nhà gái cho nhập gia trình lễ cưới, khi được nhà gái đồng ý thì họ nhà trai lần lượt đi vào và chính thức thực hiện các nghi lễ và trình lễ vật cưới.
Lễ vật ăn hỏi: Quả vật mang đến nhà gái ngoài trái cây, bánh kẹo, phải có trầu cau; có cặp đèn thật to, trùng với kích thước của đôi chân đèn trên bàn thờ nhà gái. Ngoài ra còn các lễ vật khác: Mâm trầu cau bởi “Miếng trầu là đầu câu chuyện” và số cau là số lẻ. Mâm quả trà, rượu và nến: thể hiện sự tôn kính đối với các vị gia tiên. Xôi gấc: xôi thể hiện ấm no đầy đủ cho lứa đôi. Mâm Heo quay: Người miền Nam tin rằng ngoài vị ngọt thì cần vị mặn của thịt. Thông thường sẽ có thêm lễ heo sữa quay.
Họ nhà trai sẽ kính cẩn mời nhà gái uống trà, uống rượu, mời ăn trầu, hai bên bàn bạc và thống nhất với nhau về hôn nhân của cô dâu, chú rể và thực hiện nghi thức tặng nữ trang cho cô dâu. Sau đó thì có phần lại quả cho nhà trai. 

LỄ ăn hỏi

LỄ CƯỚI

Đám cưới ở miền Nam thường diễn ra trong 3 ngày, ngày nhóm họ, ngày lễ chính và ngày giật rạp. Tất cả các lễ nghi trong đám cưới miền Nam đều được thực hiện trước bàn thờ gia tiên. Lễ vật nhà trai mang sang nhà gái ngoài trầu cau, mâm rượu thì cặp đèn lớn là thứ không thể thiếu. Bởi trong đám cưới có một nghi lễ vô cùng quan trọng và thiêng liêng đó là lễ lên đèn, đó là một lời tuyên bố chính thức, một sự gắn kết bền chặt giữa cô dâu và chú rể trong suốt cuộc đời.
Vị trí buổi lễ là khu vực thờ tổ tiên, trong nhà, trang trí tùy theo gia đình, phải có đủ “hương đăng hoa quả”. Họ hàng đàng trai đến, có người làm mai đi đầu. Phẩm vật đưa đến, ngoài trái cây, bánh kẹo, phải có trầu cau. Đại diện nhà trai đến, kính cẩn mời đàng gái uống trà, rượu, và mời ăn trầu. Sau đó, người trưởng tộc của đàng gái tuyên bố: “Xin làm lễ lên đèn”.
Lên đèn là nghi lễ quan trọng và thiêng liêng nhất. Hai ngọn nến to, do đàng trai đem đến được đặt trên bàn thờ ông bà. Người trưởng tộc bèn khui một chai rượu, trong số hai chai do đàng trai đem đến. Rồi ông đứng trước bàn thờ ngay chính giữa, cô dâu và chú rể đứng hai bên, im lặng. Cô dâu và chú rể phải tự tay thắp nến để lên bàn thờ. Hai ngọn đèn được đốt lên, từ ngọn lửa của cái đèn trứng vịt nhỏ của bàn thờ (hiểu là lửa hương hỏa). Hai ngọn đèn cháy từ từ, đặt sát nhau vì người làm lễ đang áp vào hai tay, như khấn vái. Khi lửa cháy đều ngọn, ông này từ từ giang cánh tay ra trao cho hai người trợ lý mỗi bên một ngọn để cắm vào chân đèn. Ngọn đèn phải cháy thong dong, đều đặn, nếu bên cao bên thấp thì sẽ có dư luận chàng rể sợ vợ, cô dâu sẽ lấn át, ‘ăn hiếp’ chồng. Ðề phòng nến tắt, nhiều người đóng cửa sổ thật kỹ, sợ gió tạt hoặc tạm thời tắt quạt máy. Ngày nay, đèn chế biến bằng hóa chất, không làm bằng sáp ong như xưa nên dễ tắt bất ngờ.
Sau lễ lên đèn, nhà trai sẽ tiến hành tặng nữ trang, tiền mặt, vật thách cưới và xin phép rước cô dâu về nhà chồng. Khi hai họ đã có mặt đầy đủ ở tư gia họ nhà trai thì chú rể phụ sẽ rót rượu cho trưởng tộc họ nhà trai tuyên bố và làm lễ thành hôn. Cô dâu chú rể lần lượt thực hiện các lễ nghi, cùng làm lễ trước bàn thờ, tiếp theo là lễ bái họ tộc, rót rượu mời họ tộc, ông bà nội ngoại hai bên, lễ bái song thân cô dâu chú rể cùng dâng rượu cho cha mẹ, cuối cùng là lễ anh em, bạn bè quan khách đến tặng quà và chúc mừng cô dâu chú rể. Rồi trưởng tộc tuyên bố kết thúc buổi lễ thành hôn.
Tuy nhiên hiện nay, ngoài việc tổ chức đám cưới tại gia đình, các bạn trẻ còn tổ chức lễ cưới ở nhà hàng tiệc cưới. Nghi lễ tùy theo yêu cầu của cô dâu, chú rể hay tại mỗi nhà hàng có chút khác biệt, nhưng thường là: MC mời cô dâu chú rể, cha mẹ hai bên lên sân khấu, sau đó đại diện nhà trai nhà gái có lời phát biểu chúc mừng, gửi gắm mong muốn đôi trẻ mãi mãi hạnh phúc. Tiếp theo cô dâu chú rể dâng rượu cha mẹ hai bên, rồi uống rượu giao bôi. Sau đó, đôi tân lang, tân nương cắt bánh cưới và đi chào bàn quan khách.

ĐÁM CƯỚI MIỀN NAM

ĐÁM CƯỚI MIỀN NAM

KỴ TUỔI

Thường thì ngay từ khi chàng trai/cô gái dắt người yêu của mình về ra mắt gia đình là bố mẹ chàng trai cô gái đã tìm cách để biết chàng trai/cô gái đó tuổi gì, mệnh gì. Nếu thầy phán hợp tuổi, hợp mệnh thì không có vấn đề gì lớn nhưng cũng có những đôi, khi thầy phán là kỵ tuổi, mạng can xung khắc, nếu lấy nhau thì làm ăn không nên, có thể tan vỡ, thậm chí người con trai/cô gái mai sau sẽ yểu mệnh… thì bố mẹ của họ phần lớn là sẽ cản.

Không ít cặp đôi, không vượt qua được trở ngại đầu tiên này, dẫn đến việc không đến được với nhau. Nhưng cũng có những cặp đôi, hoặc là thuyết phục, dùng lý lẽ, dùng những trường hợp cụ thể để chứng minh cho bố mẹ hai bên thấy rằng không hợp tuổi, mệnh, can xung khắc vẫn sống hạnh phúc trọn đời bên nhau.

Nếu bố mẹ hai bên hiểu, thông cảm, chấp nhận thì cũng có một số cách mà theo họ cho là “hóa giải” chuyện kỵ tuổi. Thậm chí, nếu không thuyết phục bố mẹ ngay vào thời điểm đó thì một số cặp đôi vẫn quyết tâm đến với nhau và tự chứng minh cho bố mẹ thấy bằng chính cuộc sống đầm ấm của mình.

KỴ NGÀY GIỜ

Ngày giờ ăn hỏi, rước dâu, cử hành hôn lễ đều phải tốt. Bởi thế cho nên, trước đám cưới, việc xem ngày giờ luôn được đặt vào hàng quan trọng. Ngày giờ tốt cho đám cưới còn phụ thuộc vào tuổi của cô dâu – chú rể, năm tổ chức đám cưới và nguyện vọng của hai bên gia đình. Hiện nay, việc chọn ngày cưới, ngày đãi tiệc còn phụ thuộc vào lịch của nhà hàng đặt tiệc hay phụ thuộc vào công việc, ngày giờ của bạn bè, quan khách của hai bên. Quan niệm của người xưa cho rằng, nếu hôn lễ cử hành vào ngày giờ đẹp thì cuộc sống sau này sẽ yên ả, con đàn cháu đống, đầu bạc răng long.

KỴ TRONG RƯỚC DÂU

Có nhiều điểm tương đồng với những điều cấm kỵ trong rước dâu của miền Trung như: tránh gây đổ vỡ, chú rể chỉ được xé cau chứ không được cắt hay cô dâu có bầu không được đi hướng cửa chính,…

KIÊNG KỴ TRONG LỄ CƯỚI

  • Người đang có tang không được dự đám cưới. Đồng thời, các cụ còn kiêng kỵ chuyện có bà bầu đi đến đám cưới. Nhưng hiện nay, dường như chuyện bà bầu đi đám cưới đã trở thành chuyện bình thường.
  • Khi làm lễ trong tiệc cưới, cô dâu phải để chú rể cầm chai champagne và cắt bánh cưới, chứ cô dâu không được giành làm. Như vậy thì về sau người đàn ông mới có quyền làm chủ, gia đình hạnh phúc, không xào xáo.
  • Mới cưới về không được ngủ giường cũ mà phải mua giường mới. Thêm đó, phải nhờ người tốt vận (người phụ nữ trung niên, có gia đình ấm êm hạnh phúc, có cả con trai, con gái) trải chiếu hoa giúp, như thế thì mới mong sinh con đàn cháu đống và dễ nuôi.

ĐÁM CƯỚI MIỀN NAM

Dù phong tục cưới của người Việt ở mỗi vùng miền là khác nhau nhưng ý nghĩa của đám cưới vẫn không bao giờ thay đổi, đó là sự gắn kết bền chặt của đôi trai gái, bắt đầu một cuộc sống mới. Và tất cả nghi lễ trong đám cưới cũng chỉ hướng tới một mục đích chung là lời cầu chúc cho một gia đình hạnh phúc, con cháu đầy đàn, tiền tài vững chắc.

P/s : nhớ chuẩn bị một cơ thể săn chắc để mặc đồ cho thật đẹp nha. Tham khảo thêm ở đây.

LIÊN HỆ CHÚNG TÔI